Còn nhớ cách đây 5 năm hoặc lâu hơn thế một chút, người Anh giật mình nhận ra một nghịch lý rất rõ ràng, rằng: "Khi hình ảnh giải ngoại hạng ngày càng lan tỏa khắp năm châu, tiền bản quyền tăng theo cấp số nhân qua từng mùa bóng, thì số cầu thủ người Anh góp mặt ở Priemier League ngày càng ít đi. Con số thống kê cho thấy số cầu thủ mang quốc tích Anh chỉ chiếm khoảng trên dưới 40% trong danh sách đăng ký của 20 đội tham gia giải đấu cao nhất. Và chỉ khoảng 30% được ra sân thường xuyên ở các câu lạc bộ, phần lớn là ở các câu lạc bộ trung bình".

Đó thật sự là những thống kê rất đáng lo ngại, nhất là khi thành tích của đội tuyển Anh tại các giải đấu lớn ngày càng trở lên tệ hại hơn. Những trận đấu mà các đội trong nhóm Big Four: MU, Chelsea, Arsenal, MC ra sân với đội hình sạch bóng quốc tịch Anh ngày càng trở thành một điều gì đó hết sức bình thường với người hâm mộ. Áp lực thành tích, áp lực thương mại khiến các câu lạc bộ lớn, thậm chí cả những câu lạc bộ tầm trung của PL khó có thể dành sự kiên nhẫn chờ sự trưởng thành của các cầu thủ trẻ, bỏ một số tiền (dù lớn) mua một vài ngôi sao đã được kiểm chứng vẫn là một sự đầu tư ít rủi ro hơn.

Nhưng dưới góc nhìn của Liên đoàn bóng đá Anh, pháp nhân phải chịu trách nhiệm với cổ động viên trên khắp xứ sở sương mù về thành tích của đội tuyển Tam sư, thì đó là một xu hướng đáng báo động. Nhất là khi họ nhìn sang những thành tích trong môn thể thao vua của gã hàng xóm, người Pháp vô địch thế giới, vô địch Châu âu, với trung tâm là TTHLQG Clairefontaine. Người Đức tuy chỉ dành huy chương đồng WC 2010 trên sân nhà, nhưng đã cho thấy những tín hiệu đầy hy vọng nhờ chiến lược đầu tư cho đào tạo trẻ được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ trên toàn hệ thống... Ngay cả khi nhìn ngược về nội tại, họ cũng chợt giật mình với lập luận liệu Sir Alex có thể tạo dựng được một thời kỳ huy hoàng đến thế ở MU, nếu ông không "vớ" được thế hệ 92? Còn gì nhuyễn hơn một đội hình được xây dựng bởi những cậu bé từng ăn cùng, ở cùng, thở cùng và xem phim người lớn cùng nhau?

FA đã chẳng thể ngồi yên và họ đã hành động. Một dự án dài hơi đầu tư và phát triển hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ được kích hoạt đầu năm 2011. Dự án mang tên "Chương trình Phát triển Elite", do Ged Roddy, người thời điểm đó vừa được Priemier League bổ nhiệm vào vị trí phụ trách công tác tài năng trẻ, khởi xướng. Và đứng đầu trực tiếp triển khai chương trình Elite không ai khác chính là Gareth Southgate, huấn luyện viên U21 Anh hiện tại. Cùng với nó là quy định bắt buộc mỗi câu lạc bộ thuộc giải ngoại hạng phải có ít nhất 8 cầu thủ mang quốc tịch Anh trong số 25 vị trí đăng ký. Thời điểm đó, dự án Elite nhận được không ít sự ủng hộ, cũng như kỳ vọng của người hâm mộ, tất nhiên vẫn tồn tại không ít hoài nghi.

Ngược lại khoảng thời gian về trước, để thấy rằng, sau 5 năm, đây chính cái mốc mấu chốt để FA có thể đưa ra "đánh giá thu hoạch" cho giai đoạn đầu của dự án. Và còn bằng chứng nào thuyết phục hơn nếu như Tottenham bước lên ngôi cao nhất của giải ngoại hạng? Ba mùa bóng trở lại đây, nếu như Southampton thi thoảng vẫn "cống nạp" cho các ông lớn một vài nhân tố mới, thì Tottenham mới thực sự là ngọn cờ đầu trong việc trọng dụng và phát triển những tài năng "cây nhà lá vườn". D.Rose, Walker, D.Alli, H.Kane, Onomah, Carrol, Vimmer....những cái tên xuất thân từ chính lò đào tạo của CLB đã đang và sẽ là trụ cột của đội bóng duy nhất còn cơ hội tranh chức vô địch với Leicester. Không ít người trong đó cũng là niềm hy vọng của Tam sư trong mùa hè này trên đất Pháp. Sự thành công của Tottenham hẳn nhiên sẽ là nguồn khích lệ vô cùng lớn lao để FA tiếp tục đẩy mạnh dự án của mình. Tại sao không chứ khi họ đang có M.Pochettino đang làm rất tốt ở White Hart Lane, có Klopp ở Anfield và Pep đang trên đường tới Etihad, còn V.Gaal thì...mệt rồi...Ngủ!

Do vậy mà những người theo thuyết âm mưu hoàn toàn có cơ sở để đặt dấu hỏi về những quyết định mà P.Schmeichel mô tả là "phê thuốc" trên sân King Power của ông trọng tài J.Moss tối qua. Liệu có phải FA đã thò bàn tay bí mật dúi "thuốc" cho ông trọng tài "Man of the Match" với lời dặn dò, cứ phê đi vì nhà mình cho phép? :)). Tất nhiên, người Anh cũng còn đấy nỗi lo, rằng, năm sau khi Leicester là 1 trong 4 đại diện của họ chinh chiến tại Champions League, thì việc Priemier League tiếp tục mất điểm trên bảng xếp hạng của UEFA, dẫn đến việc mất toi 1 suất dự Champion League là nguy cơ nhãn tiền. Nhưng việc đó thì giờ muốn can thiệp cũng chẳng thể được, vì Bầy Cáo hôm rồi mới tổ chức ăn mừng cho tấm vé đến Châu âu còn đâu nữa. Với lại, đó là việc của những câu lạc bộ với nhau. Điều FA cần là nâng nguồn cung cho đội tuyển Anh. Thế thì sao không gọi là có tí ti "bày binh, bố trận" giúp Tottenham vượt sóng thành công?



Gì chứ hình ảnh những con người trẻ như Rose, Walker, Alli, Kane...giương cao chiếc cúp hẳn nhiên là sự khích lệ hùng hồn, kết quả đầy thuyết phục cho bài ca "Em là a búp măng non.." mà FA đã, đang và sẽ mong muốn phổ cập trên xứ sở sương mù. Vậy thì triển đi thôi, chứ ngại ngần gì nhỉ? Còn nữa, ai đời 19 đội bóng trên đất nước của Nữ Hoàng, Queen Power lại đi xếp dưới cái tên King Power dạt sang từ đất Thái. Ấy là chưa kể chả lẽ quyền năng của Chúa lại đi thua bùa ngải của mấy ông sư? Nhỉ!

Có điều có thế, có nữa, thì Bầy Cáo cũng sợ đếch. Họ đã quả cảm dành lại 1 điểm khi chỉ có 10 người cơ mà. Họ từng từ cõi chết trở về cuối mùa giải năm ngoái mà đâu cần có Vardy. Và trên hết Tottenham chưa bao giờ tranh thủ được bất cứ cú chậm nhịp nào của Leicester cả. Đêm nay, hãy xem những chú gà trống liệu có gáy nổi trên sân Britannia?

P/s: Thuyết âm mưu thường chứa đựng những suy diễn, lập luận rất CÙN. Vì thế, bài viết chắc chắn sẽ chào đón những ý kiến ngược chiều. Rất mong các bạn nhẹ tay khi buông đao và lịch sự hết mức có thể!

"Bạn được tôn trọng không phải bởi sự hiểu biết của bạn, mà cách bạn thể hiện sự hiểu biết sẽ quyết định vị thế của bạn với người đối diện"
 
Tả Pí Lù 24/7 - Blog chuyện phiếm - Chém gió và Giải trí 24/7 © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top